Rau thì là
Rau thì là ta còn gọi là “thìa là”, tiêng Hán gọi là “Tiểu Hồi Hương”. Sách “Bản Thảo Cương Mục” gọi là “Thời la” (có lẽ ta đọc trại thành “Thìa là”, “thì là”) chép: hay bổ thận, kiện tì và trừ trướng thúng. Sách “Bản Thảo Cứu Hoang” gọi là “Đông Phong” chép: đem rửa sạch, luộc chín, trộn dâu, muối ăn bổ. Hạt làm gia vị, điều hòa các món ăn, mùi thơm ngon.
Theo sách “Nam Dược Thần Hiệu” hạt Thì là vị cay, tính ẩm, không độc, điều hòa món ăn, bổ thận, mạnh tì, trừ trướng, tiêu hòn báng, đau bụng và đau răng.
Trị liệu
1/ Trị Chứng “Sốt Rét Ác Tính”
Sốt rét ác tính rất dễ dẫn tới tử vong. phải gấp chữa trị. Dùng hạt thì là giã tươi, vắt lấy nước cho người bệnh uống, hoặc tán thành bột, hay sắc lên cho bệnh nhân uống cũng hay. (Hành Giản Trân Nhu)
2/ Trị Chứng “Đái Són”
Do tâm thận hư, dương khí suy lạnh, bàng quang không đảm bảo được chức năng, gây ra chứng đái són, đi tiểu suốt ngày, đêm không có chừng mực. Dùng 1 nắm thì là tẩm với nước muối, sao vàng, tán thành bột, lấy gạo nếp nâu thành cơm nếp, quết nhuyễn thành bánh dầy (hoặc mua bánh dây ở chợ), chấm với bột này, ăn vào rất hiệu nghiệm. (Nam Dược Thần Hiệu)
3/ Trị Chứng “Rắn Cắn Vết Cắn Lở Loét”
Bị rắn cắn, tuy chữa khỏi chết, nhưng vết thương lở loét, thối rữa chữa mãi không khỏi. Dùng hạt thì là, nghiền thành bột rắc vào, rất hay. (Cổ Phương)
4/ Trị Chứng “Đau Xóc Dưới Sườn”
Dùng 1 lạng thì là, sao vàng và 5 đồng cân chỉ xác (hỏi mua ở tiệm thuốc Bắc). Cả 2 vị đều tán chung thành bột, mỗi lần uống 2 đồng cân với rượu hòa muối. Rất thần hiệu. (Cổ Phương)
5/ Trị Chứng “Tiêu Hóa Kém, Đàm Trệ”
Dùng 1 đồng cân (4 gr) hạt thì là, nhai kỹ nuốt cả bã lẫn nước. Cách này cũng có thể dùng để chữa chứng ăn nhằm thức ăn tanh ôi ngộ độc. (Cổ Phương)
6/ Trị Chứng “Thận Suy, Tì Yếu”
Dùng từ nửa thăng tới 1 thăng (50 – 100 gr) trái thì là, sắc lấy nước uống hết trong 1 ngày, oặc dùng 1-2 đồng cân, pha trong 1 lít nước, uống cũng rất hay. Thang này cũng có thể dùng để chữa chứng đau răng, đau bụng (trẻ em) và kích thích tiêu hóa, giúp dễ trung tiện và lợi sữa. (Kinh Nghiệm Dân Gian)