Cây rau trai
Rau Trai nhân dân ta còn gọi là rau trai ăn, rau trai trắng, thài lài trắng (Sách “Nam Dược Thần Hiệu” gọi Biển Súc là thài lài), cỏ chân vịt, tên chữ Hán là: Áp chích thảo, Trúc diệp thái. Sách “bản Thảo Cứu Hoang” chép: “Rau trai khi non, hái luộc chin trộn dầu, muối ăn cũng đỡ đói lòng, trong lúc đói kém”. Theo sách “Những C.T và V.T Việt Nam”, Rau trai còn có tên chữ Hán là Nhĩ hoán thảo, đây là một loài cỏ cao 25 – 50cm, hơi có lông hay nhiều lông, thân chia nhánh, ở những đốt có thể trổ rễ, lá thuôn dài hay hình mác phía dưới có bẹ, dài 2 – 10 cm, lộng 1 – 2cm, không có cuống, hoa màu xanh lơ… thường mọc hoang ở những bãi, ruộng ẩm tới. Nhân dân ta và nhân dân Trung Quốc ưa hái dùng làm thuốc chữa sốt, khát nước, tiểu tiện khó, giải độc ly, trị bệnh tim, rắn, rết, bọ tạp cắn và chứng khớp xương bị sưng đau.
Theo sách Trồng hái và Dùng Cây Thuốc” của Lương y Lê Trần Đức, còn có loại rau trai nữa gọi là rau hồng trai hay thài lài tía, tên chữ Hán là thủy trúc thảo là loại cỏ sống lâu năm, cao từ 25 – 30 cm, có rễ chùm và rể phụ, mọc bò và vươn đứng, thân phân nhánh và bén rễ ở mấu, có long trắng ở gần các mấu, lá mọc so le có bẹ dài, phiến lá hình bầu dục, đầu nhọn, mặt trên màu lục có sọc ở mép và giữa, mặt dưới màu tía, hoa màu hồng hay xanh tía, không cuống, 2 – 4 hoa ở giữa hai lá tai ngọn, quả nang. Loại rau hồng trai này thường mọc hoang ở khe đá, nhiều nhất trên núi đá vôi, nơi có nhiều mùn, rau này vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, nhuận trang, thanh nhiệt, mát máu. Lượng dùng phổ biến 30 – 40 gr.
Trị liệu:
1/ Chữa Chứng “Viêm Họng”
Bị viêm sưng họng (kể cả sung amidan), dùng 1 nắm Rau trai tươi, rửa sạch, ngâm qua nước muối, vớt ra giã nát, vắt lấy 1 chén nước cốt, cứ 1 giờ lại ngậm và nuốt từ từ, hết lại giã, vắt tiếp để dùng. Rất mau khỏi. (Dã Thái Trị Bách Bệnh Dân Gian Liệu Pháp)
2/ Chữa chứng “Phù Thũng Do Tim”
Rau trai trắng 15 gr, đậu đỏ 50 gr, nước 300 ml, sắc còn 100 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. (Dã Thái Trị Bách Bệnh Dân Gian Liệu Pháp)
3/ Chữa chứng “Viêm Cầu Thận Cấp, Phù Thũng, Đái Ít”
Rau trai trắng 30gr, cỏ xước, mã đề mỗi thứ 20 gr sắc uống. (Trồng Hái và Dùng Cây Thuốc)
4/ Chữa chứng “Phong Thấp, Khớp Xương Sưng Đau”
Dùng 12 gr Rau trai trắng, 48 gr đậu đen, nấu kỹ, chắt lấy 1 bát rưỡi nước, chia làm 3 lần uống, uống cách nhau 3 giờ, nên hâm nóng lại khi uống. Ngoài dùng 1 nắm lá Rau trai trắng, sao nóng, bọc vải, chườm lên chỗ bị sung đau. Dùng phương thuốc này liền trong 3, 4 ngày thì kiến hiệu. (Dã Thái Trị Bách Bệnh Dân Gian Liệu Pháp)
5/ Chữa Chứng “Nhiệt Lỵ”
Ngày dùng từ 8 – 15 gr Rau trai trắng, sắc lấy một bát nước chia làm 3 lần uống. Cữ ăn đồ tanh, nóng khi uống nước thuốc này. (Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam)
6/ Chữa “Mụn Nhọt Sưng Tấy”
Rau hồng trai, cây sống đời mỗi thứ 20 – 30 gr, rửa sạch, giã nát, tẩm ít nước, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp lên chỗ bị sưng. (Trồng Hái và Dùng Cây Thuốc – Tập 2)
7/ Chữa Chứng “Đái Buốt, Kiết Lỵ”
Rau hồng trai 30 gr, Mộc thông (hay mã đề) 20 gr, rửa sạch, sắc uống. (Trồng Hái và Dùng Cây Thuốc – Tập 2)