Những công dụng của trái bồ kết

Những công dụng của trái bồ kết

Nhắc đến bồ kết là nhắc tới công dụng làm sạch gàu, làm cho tóc trở nên óng ả, mềm mượt và chắc khoẻ hơn. Bên cạnh công dụng thường thấy cho mái tóc thì trong Đông y, bồ kết là một loại dược liệu quý với nhiều công dụng khác nhau.

 

Đặc điểm và công dụng của bồ kết

Bồ kết là một loại cây có nhiều gai cứng, to và chia ra thành nhiều nhánh, đây là một loại cây thân gỗ có chiều cao khoảng từ 5 đến 10 mét. Lá mọc so le với nhau, trên mép lá có răng cưa. Quả bồ kết có hình dáng dài như hình cái lưỡi liềm, bên trong có chứa nhiều hạt.

 

Tại Việt Nam các vùng như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An, Nam Định có trồng nhiều bồ kết.

 

Theo Đông y, bồ kết vị cay mặn, tính hơi ôn, có độc, vào 2 kinh Phế, Đại tràng. Có tác dụng thông khiếu, tiêu đờm, sát trùng; làm cho hắt hơi. Dùng chữa trúng phong, cấm khẩu, tiêu thực, đờm suyễn, sáng mắt, ích tinh.

 

Các bộ phận trên cây bồ kết được sử dụng làm dược liệu gồm quả, hạt và gai:

 

  • Quả bồ kết thường được gọi là tạo giác. Quả có tính ôn, vị cay mặn. Có tác dụng trùng roi âm đạo, diệt siêu vi trùng.
  • Hạt bồ kết được gọi là tạo giác tử, được lấy ra khi quả bồ kết chín hoặc được phơi, sấy khô. Có tính ôn, vị cay. Có tác dụng tán kết, thông đại tiện, trị mụn nhọt.
  • Gai bồ kết gọi là tạo thích. Có tính ôn, vị cay. Có công dụng làm thông sữa, tiêu ung độc, xẹp ung mủ, sát trùng.
 

Các bài thuốc dân gian từ bồ kết

Trị rụng tóc

Gội đầu bằng bồ kết nguyên chất: dùng khoảng 300g quả bồ kết khô và nấu với một lượng nước vừa đủ để có thể gội đầu. Nấu nước bồ kết và pha thêm với nước lạnh bên ngoài và gội đầu đều đặn. Đây là cách trị rụng tóc đơn giản từ bồ kết mà người ông bà chúng ta đã từng dùng.

 

Trị quai bị

Lấy một lượng vừa đủ quả bồ kết, đốt thành than, tán bột mịn, trộn với dấm thanh. Lấy bông thấm thuốc này đắp lên chỗ quai bị, khoảng 20 – 30 phút lại thay thuốc 1 lần.

 

Trị nghẹt mũi, khó thở hoặc viêm xoang

Đốt quả bồ kết, xông khói vào mũi, mũi sẽ thông và dễ thở hơn.

 

Thuốc chữa ho

Bồ kết 1g, quế chi 1g, đại táo (táo đen) 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g, nước 600ml; sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.

 

Chữa nhức răng, sâu răng

Lấy quả bồ kết nướng cháy đen, bẻ vụn rồi ngâm với rượu trắng (1 phần bồ kết, 4 phần rượu). Để qua 1 ngày, 1 đêm rồi mang thuốc này ra ngậm, nhổ đi rồi lại ngậm, làm vài ngày là khỏi.

 

Chữa trẻ con chốc đầu, rụng tóc

Bồ kết đốt ra than, tán nhỏ rửa sạch vết chốc, rồi đắp than bồ kết lên.

 

Trị bỗng nhiên váng đầu hoa mắt

Dùng bột bồ kết thổi mũi cho hắt hơi là khỏi.

 

Hóc xương cá ở cổ

bột bồ kết thổi mũi khiến hắt hơi đẩy xương cá ra là khỏi.

 

Chữa đi lỵ lâu ngày

Hạt bồ kết sao vàng, tán nhỏ, dùng hồ nếp viên bằng hạt ngô. Ngày dùng 10 đến 20 viên, dùng nước chè đặc mà chiêu thuốc (nên uống buổi sáng sớm khỏi mất ngủ).

 

Chữa phụ nữ sưng vú

Gai bồ kết thiêu tồn tính 40g, bạng phấn 4g. Hai vị đều tán nhỏ, trộn đều, mỗì lần uống 4g bột này.

 

Bệnh động kinh do phong tà

Bồ kết sao tồn tính 160g, mật đà tăng 40g, rễ, lá, thân cây ké đầu ngựa khô 160g. Tất cả phơi khô, nghiền nhỏ, hòa nước cháo giã nhuyễn viên bằng hạt ngô, lấy chu sa làm áo. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 viên uống với nước táo tàu. 3 ngày sau giảm dần còn 20 viên.

Trị trúng phong cấm khẩu

Dùng quả bồ kết bỏ hạt, lấy vỏ nướng cháy nghiền thành bột, ngày uống 0,5 – 1g. Nếu sắc thì dùng 5 – 10g quả bồ kết bỏ hạt sắc uống.

 

Trị méo miệng do trúng gió

Dùng khoảng 10 quả bồ kết nướng giòn, tán nhỏ mịn, trộn với loại dấm tốt cho sền sệt. Miệng méo về bên trái thì đắp má bên phải và ngược lại. Khi nào khô thì hòa thêm dấm cho vừa dẻo để đắp. Cách này có tác dụng với người mới bị bệnh.

 

Trị trứng cá, tàn nhang

Lấy 1 chén nhỏ hạt bồ kết, 40g hạnh nhân, hai thứ đem tán mịn. Buổi tối gần đi ngủ thì lấy 1 thìa hỗn hợp trên pha ít nước cho sền sệt rồi bôi lên chỗ có trứng cá, tàn nhang. Sáng dậy rửa sạch.

 

Trị ghẻ lở lâu năm

Lấy khoảng 10 quả bồ kết nhét vào dạ dày heo (đã rửa sạch), buộc kín và nấu chín. Sau đó bỏ bồ kết và ăn hết dạ dày heo. Sau khi uống thuốc này, bệnh nhân sẽ bị đi ngoài lỏng nhưng không có gì đáng ngại.

 

Trị giun kim

Dùng bồ kết đốt tồn tính tán bột, trộn với dầu đậu phộng hoặc dầu mè tẩm vào bông để vào trong hậu môn, làm vào buổi tối, liên tiếp 3 ngày, mỗi ngày một lần.

 

Trị mụn nhọt sưng tấy, đau nhức

Dùng 4 – 8g gai bồ kết sắc uống mỗi ngày.

 

Trị kiết lỵ kéo dài không khỏi

Dùng 50g hạt bồ kết sao vàng hơi sém, tán thành bột mịn, trộn với hồ nếp, hoàn viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 10 – 12 viên, chia làm 2 lần sáng, chiều.

 

Trị bí đại tiện

Lấy 3 – 6g hạt bồ kết sắc đặc rồi uống. Hoặc lấy 200 hạt bồ kết không mọt, không sâu, tẩm sữa rang vàng, tán nhỏ mịn, hòa với mật, làm thành viên to bằng hạt đậu to, mỗi lần uống 30 viên sau bữa ăn khoảng 30 phút.

 

Trị đái dắt, không đi tiểu được

Gai bồ kết sao tồn tính, phá cố chỉ, 2 thứ lượng bằng nhau, nghiền nhỏ uống với rượu.

 

Với nhiều công dụng hay như vậy nhưng khi sử dụng bồ kết, bạn cũng cần lưu ý đến một số những trường hợp sau:

 

  • Phụ nữ đang mang thai, tuyệt đối không được dùng bồ kết (trái, lá, gai), vì trong bồ kết có chất tẩy rửa, tính acid nhẹ gây hưng phấn cổ tử cung dễ sinh non, sảy thai, và ảnh hưởng không tốt tới thai nhi dễ bị sinh con dị tật.
  • Những người mắc bệnh về đường tiêu hóa, bệnh dạ dày, tá tràng cũng không nên dùng sẽ làm cho bệnh nặng thêm, vì trong hạt bồ kết có chất kích thích, tẩy rửa…
  • Những người đang đói không nên dùng bồ kết vì có thể gây ngộ độc, say bồ kết. Đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ có thể dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi như bị ngộ độc thực phẩm.

 

Hi vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cách sử dụng một loại thảo dược quý sẵn có trong tự nhiên để nâng cao sức khoẻ của bản thân!

 

*Bài viết có tham khảo một số bài thuốc từ Lương y Hoàng Duy Tân

Đang xem: Những công dụng của trái bồ kết

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng