DƯỠNG SINH TRONG TIẾT LẬP THU

DƯỠNG SINH TRONG TIẾT LẬP THU

Ngày 8/8 vừa qua là một ngày vô cùng đẹp phải không các bạn? Vừa là một ngày đôi mang năng lượng của sự thịnh vượng và đồng thời cũng đánh dấu ngày đầu tiên thời tiết chuyển mình sang Thu. Có thể theo phong tục của một số nước thì mùa thu sẽ bắt đầu từ tháng Bảy nhưng đối với các nước Đông Á như Việt Nam chúng ta thì mùa thu chỉ thực sự bắt đầu khi bước vào Tiết Lập Thu.

Trong 24 tiết khí thì tiết Lập Thu bắt đầu từ ngày 7 hoặc ngày 8 tháng 8 mỗi năm (theo Dương lịch) sau khi kết thúc tiết Đại Thử, nếu bạn để ý kĩ vào những ngày này sau một loạt những ngày hứng chịu những cơn mưa lớn, không khí có độ ẩm cao thì những ngày vừa sang thu, trời bắt đầu nắng diu, không khí cũng trở nên hanh khô hơn, trời tuy vẫn còn nóng nhưng không nóng gay gắt như những tháng trước, chiều tối thì có gió mát thổi nhè nhẹ.

Nếu bạn để ý khi rảo bước trên đường, nhìn hai bên những hàng cây có những chiếc lá vàng rơi lả tả đầy đường, cũng báo hiệu cho một mùa cây thay lá.

 

 

Theo quan niệm dân gian, tiết Lập Thu cũng là mùa của sự thu hoạch, khi các bác nông dân bắt đầu bận rộn quan sát thiên nhiên liên tục để đề phòng các cơn bão bất chợt ập tới ảnh hưởng đến vụ mùa, đây cũng là thời gian để nhìn lại nửa đầu năm qua đã đạt được những thành quả gì, những điểm còn thiếu sót và tìm cách cải thiện để mùa vụ sau được năng suất hơn.

Chiếu theo Nông lịch, tiết Lập thu thường rơi vào tháng Bảy – hay còn gọi là tháng “xá tội vong nhân”, là mùa Vu Lan hiếu hạnh theo truyền thống của Phật giáo. Vào tháng này, truyền thống dân gian quan niệm rằng dưới Âm phủ sẽ mở cổng để cho các vong linh có dịp được về quê thăm gia đình, riêng đối với những vong hồn không nơi quay về thì sẽ đi lại vất vưởng trên dương gian tìm kiếm thức ăn từ những ban thờ của các gia đình trước cửa, tuy nhiên ít nhiều cũng gây ra sự nhiễu loạn. Còn theo truyền thống của Phật giáo, đây là dịp mà con cháu thể hiện tấm lòng hiếu hạnh của mình đối với ông bà tổ tiên đã khuất và đối với những người thân còn tại thế bằng cách bố thí, cúng dường và hồi hướng những phước đức mà bản thân đã tích luỹ được cho người thân của mình. Đây quả là một truyền thống vô cùng nhân văn và ý nghĩa cần được duy trì.

Nếu luận theo quẻ Dịch, tiết Lập Thu lại ứng với quẻ Thiên Địa Bĩ – nghĩa là đất trời xa cách, mặt trời không thể sưởi ấm được mặt đất, đây là một quẻ xấu, tượng trưng cho sự lạnh lẽo, hiu quạnh, mọi thứ chìm trong bóng tối. Tuy nhiên không hẳn vì vậy mà ai làm việc gì cũng đều gặp rắc rối mà đó như là một lời nhắc nhở bản thân cần cẩn thận hơn trong các giao dịch và hoạt động hằng ngày, tránh làm việc xấu, siêng làm điều lành thì awst sẽ gặp bình an và may mắn.

Tiết Lập Thu nên ăn uống như thế nào để dưỡng thân?

Theo như lời các cụ truyền lại, mùa thu khi ăn uống cần tuân theo nguyên tắc “phòng táo giữ âm, tư thận nhuận phế” – nghĩa là cần bổ sung đầy đủ tân dịch và ăn nhiều loại thực phẩm có chức năng nhuận táo và dưỡng âm vì vào Lập Thu, dương khí bắt đầu thu liễm và ẩn tàng, còn âm khí thì từ từ tăng lên, “Táo” với đặc tính khô hanh là chủ khí dễ làm da khô nứt nẻ, dễ bị táo bón, thường xuyên khô họng, khô môi, nên khi ăn uống cần ưu tiên chọn những thứ có tính mát để thanh nhiệt dưỡng âm, sinh tân dịch như:

Ngó sen, khoai sọ, khoa môn, củ từ…

Lê, táo, nho…

Giá, củ cải…

Cháo gạo nếp, cháo bách hợp hạt sen…

Trà ngũ cốc dưỡng tâm để tư âm dưỡng huyết, bổ tỳ, dưỡng tâm.

Dựa theo học thuyết Ngũ hành, vị chua vào Can, vị cay vào Phế. Phế thuộc Kim, Can thuộc Mộc. "Vạn vật thu thu, phế khí kim vượng", nghĩa là, mùa thu vạn vật thu vào, khí kim ở Phế vượng thịnh. Nếu ăn uống nhiều đồ có vị cay thì sẽ trợ giúp cho phế khí khiến cho phế khí càng thịnh, phế kim khắc can mộc thái quá dẫn đến công năng của tạng Can bị rối loạn. Vì vậy, cổ nhân khuyên về mùa thu nên ăn "ít cay nhiều chua", cần trọng dụng nhiều các thực phẩm có vị chua nhằm tăng cường chức năng của Can và phòng ngừa phế khí quá thịnh làm hại đến Can và dùng ít thực phẩm có vị cay như hành, gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu... Thêm nữa, mùa thu là giai đoạn quá độ từ nóng chuyển sang lạnh vì vậy không nên ăn quá nhiều đồ sống lạnh hoặc bổ béo khó tiêu dễ gây thương tổn Tỳ và Vị.

Tiết Lập Thu năm nay chỉ kéo dài đến 23 tháng 8 là chuyển sang tiết Xử Thử - có nghĩa là hoàn toàn chấm dứt tình trạng nắng nóng, oi bức, thời tiết sẽ trở nên mát mẻ và dễ chịu hơn cho nên trong giai đoạn còn ở tiết Lập Thu, Dưỡng Sinh Việt khuyến khích các bạn nên chăm sóc sức khoẻ bản thân cho thật kĩ càng để phòng tránh các bệnh về da hay hô hấp. Hi vọng rằng với một số chia sẻ trên đây sẽ hữu ích cho bạn trong tiết Lập Thu này, hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết về cách Dưỡng sinh trong 24 tiết khí của chúng mình!

 

Đang xem: DƯỠNG SINH TRONG TIẾT LẬP THU

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng