1/ Triệu chứng và nguyên nhân
Chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn, lúc ngắn lúc dài gọi là kinh nguyệt không đều, phần lớn là do hooc-môn tiết ra thiếu cân bằng gây nên; nhưng nếu như thời gian của chu kỳ nằm trong vi từ 3 tuần cho đến 40 ngày thì chưa phải bệnh. Khi đến kỳ hành kinh bụng dưới trướng to hớn bình thường và đau, vùng eo bị hàn lạnh hoặc đau nhức, cơ thể mỏi mệt thì gọi là đau bụng kinh (đau kinh nguyệt).
Còn trường hợp có các triệu chứng như đầu bị sung huyết, đau đầu, hai bả vai đau nhức, tính tình thay đổi thất thường, cảm giác khó chịu khi hành kinh kể cả đau bụng kinh thì gọi là chứng hành kinh khó.
2/ Trọng tâm trị liệu
Khi gặp những triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt, kích thích lên các huyệt đạo tập trung xung quanh vùng eo nhằm thúc đẩy máu huyết lưu thông tuần hoàn, khắc phục các triệu chứng ấy.
Trong đó các huyệt Thượng Liêu, Trung Liêu, Hạ Liêu và Thứ Liêu ở vùng eo có tác dụng điều chỉnh cơ năng cơ quan sinh dục; để khắc phục triệu chứng hàn lạnh thì day ấn tỉ mỉ lên các huyệt Thái Khê, Chí Thất ở chân và eo là chủ yếu. Nếu như thời gian hành kinh kéo dài thì châm cứu hoặc ấn lên các huyệt Quan Nguyên ở bụng, Thận Du, Can Du ở eo, Bách Hội, Phong Trì, Thiên Trụ trên đầu, Tam Âm Giao, Âm Lăng Tuyền ở chân sẽ có tác dụng khắc phục. Khi chu kỳ kinh nguyệt có xu hướng ngắn lại thì kích thích lên các huyệt Tỳ Du, Trung Quản bằng bấm huyệt hoặc châm cứu đều hiệu quả.
Trường hợp lượng máu kinh nguyệt quá khác thường thì ấn lên huyệt Huyết Hải ở chân; nếu có hiện tượng sung huyết hoặc đau đầu thì ấn lên các huyệt trên đầu, huyệt Hợp Cốc ở tay rất có hiệu quả để chế ngự đau đớn
3/ Các huyệt đạo quan trọng liên quan và phương pháp trị liệu
Liệu pháp huyệt đạo
Huyệt Thận Du
Tác dụng: khắc phục triệu chứng tê cứng, hàn lạnh và mỏi mệt vùng eo.
Vị trí: hai huyệt đối xứng qua và cách Đốc Mạch chừng 2 đốt ngón tay, ngang đầu mút xương sườn dưới cùng.
Phương pháp trị liệu: để người bệnh nằm sấp; người trị liệu quỳ bên đùi, chồm về phía trước, hai bàn tay ôm hai bên hông, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn từ từ lên hai huyệt Thận Du của người bệnh để phát huy hiệu quả chữa trị. Dùng phương pháp châm cứu lại càng hiệu quả.
Huyệt Thiên Trụ
Tác dụng: khắc phục các triệu chứng khó chịu khi hành kinh như nặng đầu, tính tình thất thường.
Vị trí: hai huyệt nằm ngay mí tóc, bên ngoài hai thớ cơ lớn, đối xứng nhau qua chỗ lõm sau gáy.
Phương pháp trị liệu: người trị liệu ở phía sau, hai bàn tay ô hai bên đầu, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn lên hai huyệt Thien Trụ của người bệnh, rất có hiệu quả trong việc khắc phục các triệu chứng khó chịu khi hành kinh như đau đầu, nặng đầu, mỏi mệt, tính khí thất thường.
Huyệt Quan Nguyên
Tác dụng: là huyệt đạo có hiệu quả đặc biệt để khắc phục triệu chứng hành kinh đau và kinh nguyệt không đều.
Vị trí: nằm trên đường Nhâm Mạch, phía dưới rốn chừng 3 đốt ngón tay.
Phương pháp trị liệu: để người bệnh nằm ngửa; người trị liệu quỳ bên cạnh, chồm về phía trước, hai bàn tay úp chồng lên nhau, 3 ngón tay giữa khép chặt, mũi tay hơi hướng về phía rốn, ấn vừa đủ mạnh, làm lõm lớp mỡ bụng bên trên huyệt Quan Nguyên của người bệnh, có tác dụng khắc phục triệu chứng đau bụng dưới, kinh nguyệt không đều. Nếu thời gian hành kinh kéo dài thì châm cứu lên huyệt đạo này sẽ rất hiệu quả.
Huyệt Hạ Liêu
Tác dụng: thúc đẩy máu huyết vùng eo lưu thông tuần hoàn, điều chỉnh các chức năng của cơ quan sinh dục.
Vị trí: hai huyệt nằm trên hai lỗ xương cùng thứ tư từ trên xuống, đối xứng qua và cách Đốc Mạch chừng một đốt ngón tay.
Phương pháp trị liệu: để người bệnh nằm sấp; người trị liệu quỳ bên đùi, chồm về phía trước, hai bàn tay ôm hai bên mông, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn lên hai huyệt Hạ Liêu của người bệnh và day ấn các huyệt đạo xung quanh nó trên eo lưng; có hiệu quả trong việc khắc phục sự căng thẳng vùng eo, thúc đẩy máu huyết lưu thông tuần hoàn, điều chỉnh cơ năng bộ máy sinh dục.
Huyệt Hợp Cốc
Tác dụng: khắc phục cơn đau bụng dưới dữ dội khi hành kinh.
Vị trí: nằm trên mu bàn tay, ngay giữa ngón cái và gốc ngón tay trỏ.
Phương pháp trị liệu: một tay người trị liệu đỡ bên dưới cổ tay, còn tay kia nắm lấy bàn tay theo tư thế bắt tay, đầu ngón tay cái gập lại, ấn mạnh lên huyệt Hợp Cốc của người bệnh, có tác dụng làm dịu cơn đau thắt dưới khi hành kinh.
Huyệt Huyết Hải
Tác dụng: thúc đẩy máu huyết lưu thông tuần hoàn, khắc phục triệu chứng lượng máu kinh nguyệt thất thường (quá ít hoặc quá nhiều).
Vị trí: nằm phía trên khớp xương đầu gối trong chừng ba đốt ngón tay.
Phương pháp trị liệu: để người bệnh nằm ngửa, hai chân hơi dang ra; người trị liệu quỳ bên đùi, nhìn về phía mũi chân, hai bàn tay nắm hai bên khớp gối ngoài, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn mạnh lên hai huyệt Huyết Hải của người bệnh, khắc phục được nhiều triệu chứng bệnh phụ khoa, thúc đẩy máu huyết tuần hoàn, chế ngự triệu chứng hàn lạnh và lượng máu kinh nguyệt quá bất thường.
Trích từ sách “Bí quyết bấm huyệt chữa bệnh”