Rau rút (Rau nhút)
Rau rút tên chữ Hán là Quyết Thái (Rau Quyết). Sách “Tề dân yếu thuật” nói, rau này tính thuần, rất dễ thích nghi với nơi trồng, cứ nổi trên mặt nước mà sống và phát triển nên còn có tên là “Thuần Thái” (Rau Thuần). Trong “Kinh Thi” có câu “Bạc Thái Kỳ Mão” (Bèn hái rau Mão”, “Mão” tức rau Thuần. Sách “Bản Thảo” chép, Thủy Quỳ (Rau Rút) giỏi thanh nhiệt, thông lợi (không ngưng trệ) ruột già, ruột non. Xét, ở phương Nam lá rau này nhỏ như lá nữ trinh (cây xấu hổ) mà ở phương Bắc (tức Trung Hoa) thì lá lớn như lá mã đề mà tròn, hoặc là khác loại, hay là sản xuất ở Nam, Bắc khác nhau.
Theo sách “Nam Dược Thần Hiệu”, Rau Rút vị ngọt, tính hàn, không độc, ăn nhiều thì không đói, hòa vào tạng phủ, thông lợi trường, vị, tiêu thũng.
Trị liệu
1/ Trị chứng “Phù Thũng”
Lấy 2 nắm Rau Rút (cả thân), rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt. Ai yếu dạ, có thể luộc lên ăn cả nước lẫn cái. Cũng có thể ăn sống kèm trong bữa cơm với thức ăn. Dùng vài ngày thì thấy kiế hiệu. (Thực Liệu Hiệu Dụng)
2/ Trị chứng “Ứ bế tràng vị”
Ruột già, ruột non và dạ dày bị ứ trệ, sự tiêu hóa không được thuận lợi, ăn sống hoặc uống nước cốt Rau Rút ngày 2, 3 lần, liền trong vài ba ngày sẽ khỏi. (Thực Liệu Hiệu Dụng)
3/ Trị chứng “Máu nóng gây đổ máu cam, mụn nhọt”
Lấy 1 lượng Rau Rút đủ dùng, sắc hơi loãng uống thay nước trong ngày (không để tới ngày hôm sau), hay ăn sống Rau Rút trong các bữa ăn thì khỏi. (Thực Liệu Hiệu Dụng)