Đậu xanh tiếng Hán gọi là Lục đậu. Có 2 loại đậu xanh là loại Quan lục xanh màu cành liễu, loại Du lục xanh láng như bôi dầu. Người xưa cho rằng trồng đậu xanh phải tránh ngày Mão đậu mới tốt.
Theo sách “Nam dược thần hiệu” của Đại danh y Tuệ Tĩnh, đậu xanh vị ngọt, hơi tanh, tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt, giải độc, có thể làm sạch mát nước tiểu, chữa lở loét, làm sáng mắt trị được nhiều chứng bệnh.
Trị Liệu:
1. Trị chứng ”Thổ tả gần chết”:
Lấy 2 lạng bột đậu xanh, 2 lạng đường cát trắng, dùng nước mới múc (Tân cấp thủy) hòa đều uống sẽ khỏi. Cách khác, nếu ở nhà quê, trong vườn sẵn cây đậu xanh, hái 1 nắm lá, rữa sạch, giã lấy nước, cho thêm 1 chút giấm, uống rất hay. (Tuệ Tĩnh- Nam dược thần hiệu)
2. Trị chứng ”Thương hàn”:
Nấu đậu xanh với nước. Để nguội bớt, lấy khăn mặt thấm nước ấy đắp lên ngực và ức người bệnh, hễ khăn hết nóng thì thay khăn khác. Cứ như vậy, mỗi ngày chườm nước đậu xanh nấu vài mươi lần, đắp chăn ra mồ hôi là khỏi. (Đan khê toản yếu)
3. Trị ”Các loại trúng độc”:
Đậu xanh nghiền sống, hòa đều trong nước, uống thật nhiều cho nôn ra để giải độc. (Cổ phương)
4. Trị ”Trúng nắng”:
Sắc vỏ đậu xanh thật đặc, uống rất công hiệu. (Cổ phương)
5. Trị chứng ”Phụ nữ bế kinh, kinh nguyệt không đều hoặc đang hành kinh bị đau trằn bụng dưới”:
Phụ nữ bị các chứng trên, lấy đậu xanh, nấu cháo với gan heo, ăn rất tốt. (Tuệ Tĩnh- Nam dược thần hiệu)
6. Chữa ”Gãy xương tay, chân”:
Chẳng may bị gãy xương tay, chân, dùng đậu xanh giã thành bột, sao trong chảo đất mới mua tới khi bột chuyển sang màu tía. Lấy nước giếng hào bột, trát lên giấy có độ dai, hay lụa mỏng quấn quanh phần tay hoặc chân bị gãy rồi dùng nẹp gỗ bó cho ổ khớp gãy, rất thần hiệu. (Bản thảo bị yếu)
7. Trị chứng ”Bụng cồn cào, nhức đầu nôn ọe hoặc có thai buồn nôn, thai không yên”:
Mắc nhầm các chứng kể trên, dùng đậu xanh nhai sống, nuốt nước hoặc nấu cháo ăn với đường. (Cổ phương)
8. Trị chứng ”Sưng quai bị, phát sốt đau nhức”:
Bị nhiễm chứng sưng quai bị, đau nhức phát sốt. Lấy 1 vốc đậu xanh, tán thật nhỏ, trộn với giấm, phết dày lên chỗ sưng, hễ khô lại thấm thêm giấm, mỗi ngày làm vậy vài lần thì khỏi. (Tuệ Tĩnh- Nam dược thần hiệu)
9. Trị chứng ”Đau tức vùng thượng vị”:
Bỗng bị đau tức anh ách vùng thượng vị, hay ợ chua, trong người khó chịu. Lấy 21 hạt đậu xanh, 14 hạt tiêu sọ, cho cả 2 thứ đó vào giã thành bột, uống với nước sôi để nguội thì khỏi. (Tuệ Tĩnh- Nam dược thần hiệu)
10. Trị chứng ”Dương vật bị lở”:
Lấy 1 vốc đậu xanh giã nát mịn, trộn với nước vo gạo cho đặc sền sệt đắp lên chỗ “Giời ăn”, hễ khô lại tẩm nước vo gạo, rất mau khỏi. (Kinh nghiệm dân gian)
11. Trị chứng ”Hạ cam”:
Hạ cam là chứng đàn ông bị lở ngọc hành (hòn dái) do tình dục nổi lên, lửa dâm lan tràn mà không được xuất tinh hoặc do trong âm hộ phụ nữ không sạch mà cũng giao cấu, cũng do khi phòng sự, dùng thuốc để tăng thêm hứng thú, khiến tà độc kết lại mà sinh bệnh, lúc đi tiểu rất đau buốt, rồi chảy ra nước tinh hư hỏng màu vàng đục, nặng hơn thì ngọc hành sưng đỏ, lở loét. Để chữa trị chứng bệnh này, dùng 1 phần đạu xanh, 2 phần phân trùn. Cùng nghiền bột, hòa với nước mà đắp vào, hễ khô lại đắp tiếp, rất công hiệu. (Tuệ Tĩnh – Nam dược thần hiệu)
12. Chữa ”Ngộ độc sắn”:
Vô tình bị độc sắn, mới đầu thấy chóng mặt, nhức đầu, choáng váng, rạo rực khó chịu, tiếp theo là nôn mửa, có người bị đau bụng. Dần sắc mặt tái đi, khó thở, thở nhanh và nóng. Lấy 1 chén đậu xanh, giã nát, đun sôi để nguội, lọc nước đó, chia làm 2 phần uống cách nhau 1, 2 giờ sẽ giải được chất độc. (Kinh nghiệm dân gian)
13. Phòng ngừa các chứng bệnh ôn nhiệt mùa hè:
Dùng 3 lượng đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ bằng nhau, nấu chung với nhúm cam thảo, ăn bã uống nước trong 1 tuần, có thể tránh được các chứng bệnh mùa hè. (Cổ phương)