Sắn dây còn được gọi là cát căn, cam cát căn, phấn cát căn, củ sắn dây.
Tên khoa học là Pueraria thomsoni Benth (Pueraria triloba Mak, Dolichos spicatus Grah).
Thuộc họ Cánh bướm (Papilionaceae). Cát căn (Radix Puerariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây sắn dây. Cát là sắn, căn là rễ: vì vị thuốc là rễ một loại sắn.
1/ Mô tả cây
Sắn dây là một loại dây leo, có thể dàu tới 10m, rễ phát triển to lên thành củ, nhiều bột. Thân cây hơi có lông. Lá kéo gồm 3 lá ché; lá chét hình trứng, bản thân lá chét lại chia thành 2-3 thuỳ rõ ret; phiến là chét dài 7-15cm, rộng 5-12 có lông nằm rạp trên 2 mặt lá, cuống là chét giữa dài, cuống 2 lá chét 2 bên ngắn hơn. Hoa màu xanh, mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả giáp dài 9-10cm, rộng 10mm, màu vàng nhạt, rất nhiều lông.
2/ Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang ở khắp miền rừng núi nước ta tuy nhiên không thấy khai thác cây mọc hoang. Được trồng tại khắp nơi để lấy củ ăn và chế bột sắn dây và làm thuốc.
Từ cuối tháng 10 đến tháng 3-4 năm sau, người ta đào lấy rễ rửa sạch đất cát, bóc bỏ lớp vỏ giấy bên ngoài (cho dễ khô), cắt thành từng khúc dài 10-15cm, nếu đường kính quá to thì bổ dọc thành 2 nửa, có khi thái thành từng miếng dày 0,5-1cm, xông diêm sinh, sau đó sấy hoặc phơi khô. Nếu muốn chế bột sắn dây thì giã nhỏ, gạn lấy tinh bột, lọc đi lọc lại nhiều lần rồi phơi khô.
3/ Thành phần hoá học
Trong sắn dây, hiện nay người ta mới chỉ thấy có tinh bột với tỷ lệ 12-15% (tính trên rễ tươi). Mới đây hệ dược của viện y học Bắc Kinh mới tìm thấy trong cát căn có chất Saponozit.
Trong sắn dây, còn thấy Puerarin là một Flavonozit. Trong lá sắn dây, có Asparagin, Adenin và Axit amin
4/ Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ: cát căn vị ngọt, cay, tính bình. Hoa sắn dây vị ngọt tính bình. Vào hai kinh tỳ và vị. Có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân chỉ khát. Hoa sắn dây giải độc, dùng chữa nhiều chứng miệng khát, đầu nhức, tiết tả, lỵ ra máu, đậu chân sơ khởi.
Cát căn là một vị thuốc chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa bệnh sốt khát nước, nhức đầu, lỵ ra máu.
Ngày dùng 8-20g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với những vị thuốc khác.
Bột sắn dây (tinh bột) được dùng để pha nước uống cho mát, giảm nhiệt hoặc dùng trong việc chế thuốc viên vì nó có tính chất giúp cho viên dính đồng thời lại dễ tả ra để thuốc chóng tác dụng.
5/ Đơn thuốc có cát căn
Chữa cảm mạo, sốt
Cát căn thang (đơn thuốc của Trương Trọng Cảnh): cát căn 8g, ma hoàng 5g, quế chi 4g, đại táo 5g, thược dược 4g, sinh khương 5g, cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Bột rắc mà những nơi ra mồ hôi ẩm ướt
Bột sắn dây 5g, thiên hoa phấn 5g, hoạt thạch 20g, trộn đều rắc lên những nơi ẩm ngứa.
Đơn thuốc chữa sốt cho trẻ con
Cát căn 20g, thêm 200ml nước sắt còn 100ml, cho trẻ con uống trong ngày.
Lá sắn dây chữa rắn cắn
Giã lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên nơi rắn cắn (y học thực hành , 1/1962:27)
Chú thích: tại Trung Quốc người ta còn dùng cả hoa cây sắn dây làm thuốc chữa say rượu.
Trích “Những cây thuốc và vị thuốc việt nam – Đỗ Tất Lợi”