Cải Củ
Cải củ ta còn gọi là củ cải trắng để phân biệt với củ cải đỏ (củ cà rốt), cũng còn gọi là củ Lu Bú, tiếng Hán gọi là “La Bặc”, sách Bản thảo thì gọi là “Lai Bặc”. Sách “Bản thảo” cho rằng, củ và lá Lai Bặc dùng để ăn sống, ăn chín, làm dưa, làm tương, làm si (tức Củ cải muối), dầm giấm, dầm đường… ấy là thứ rất ích lợi trong loại rau vậy. Ngoài ra, còn có tính mở đàm, tán phong, làm thông đường tiểu tiện, trừ chứng kiết lỵ. Hột Lai Bặc trị được các chứng ung sang, tiểu tiện, đại tiện không thông.
Theo sách “Huyền Mễ thực pháp”, Củ cải trắng bổ phổi, tiêu đàm và chất béo dư thừa, lợi tiểu. Có thể xắt lát nấu canh, xào, kho hoặc muối dưa, hoặc mài lấy nước, đun sôi và pha với tương làm nước chấm ăn với các món có dầu mỡ. Cũng có thể dùng Củ cải trắng trị các chứng cảm sốt và phù chân (không dùng cho trẻ em)… Sách “Nam Dược thần hiệu” chép, củ cải lu bú vị cay ngọt, lá hơi đắng, tính không độc, làm long đàm, tiêu thức ăn trừ phong tà, thông ứ, thông đái gắt, trị bệnh lỵ.
Trị liệu
1. Trị chứng “suyễn”
Lên cơn hen, suyễn khó thở, dùng củ cải trắng, sao giòn, tán nhỏ, ngào với mật mía, vẽ thành những viên bằng hạt bắp cho vào lọ đậy kỹ dùng dần. Mỗi lần uống từ tới viên với nước đun sôi. (Tế sinh bí đàm)
2. Trị chứng “lỵ cấm khẩu”
Mắc phải chứng lỵ cấm khẩu, lấy mấy củ cải trắng ép lấy 1 ly lớn nước, nấu chín nước củ cải, hoà với nửa ly nước đường trắng, uống rất hiệu nghiệm. (Giản tiện phương)
3. Trị chứng “đái ra sỏi”
Đi tiểu khó khăn nhói buốt, ra máu, bàng quang tức ách, thường có cơn đau dữ dội ngay ở thắt lưng, đó là mắc chứng “đái ra sỏi”. Để chữa chứng này, dùng cả cải trắng xắt thành miếng, tẩm mật 1 giờ rồi nướng khô mấy lượt, chớ nướng cháy quá. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 9 miếng, nhai thật nhuyễn triêu với nước muối. (Ngô Vương Chu Túc – Phổ tế phương)
4. Trị chứng “nhức đầu”
Nhức đầu, người xưa quen gọi là “đầu phong” hay “đầu thống”, có khi đau nhức khắp đầu, có khi nhức ở đỉnh đầu và có khi nhức ở một bên đầu (thiên đầu thống). Để chữa chứng này, dùng tiền (18.75g) củ cải trắng thật tươi, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước, hoà với 1 phân (0.375g) băng phiến nhỏ vào mũi. Hễ nhức bên phải đầu thì nhỏ vào lỗ mũi bên trái, nhức bên trái đầu thì nhỏ vào lỗ mũi bên phải. (Ngô Vương Chu Túc – Phổ tế phương)
5. Trị chứng “nhức đầu”
Dùng củ cải trắng giã sống vắt lấy nước, nằm ngửa, tuỳ bên phải, bên trái nhỏ vào lỗ mũi chốc lát thì lành. Phương này chữa không biết bao nhiêu người. (Nam dược thần hiệu)
6. Trị chứng “đi tiêu ra máu”
Đi tiêu ra máu, ngày mấy lượt, dùng củ cải trắng, tẩm mật, nướng lên ăn, nhớ nhai thật kỹ. Rất thần hiệu. (Bích nhất tuyển phương)
7. Trị chứng “thổ huyết mãi”
Thổ huyết, máu ra từ miệng là do máu quá nóng chảy loạn vào dạ dày mà sinh ra. Mắc phải chứng này, lấy 3 củ cải trắng, giã nát cho vào một miếng vải sạch, vắt lấy một chén nước cốt, bỏ thêm chút muối, uống liền một hơi, rất hiệu nghiệm. Cách này cũng dùng để chữa chứng “khái huyết” là ho ra máu rất hay. (Nam dược thần hiệu)
8. Trị chứng “ợ chua sau khi ăn”
Do khí thấp tụ ở dạ dày, khi ăn vào dạ dày, thức ăn bị khí này uất kết lại, không vận hoá được nên sinh ra chứng ợ chua. Để chữa chứng “ợ chua sau khi ăn”, dùng 3 miếng củ cải trắng, nhai sống thật kỹ mới nuốt. Rất mau khỏi. (Nam dược thần hiệu)
9. Trị chứng “cước khi đau nhức chạy khắp”
Cước khí là chứng khí thấp nhiệt tụ ở phần chân, gây ra đau nhức, nhiều khi khí thấp nhiệt chạy lan khiến chân đau khắp nhiều nơi. Để chữa chứng này, lấy độ 1 ký củ cải trắng nấu rồi vừa ngâm chân, vừa nhúng khăn vào nước đó đắp lên chỗ đau khi nước đang nóng, lấy lại 1 ký củ cải trắng phơi thật khô, tán thành bột tẩm vào vớ đi, hoặc rắc đều vào trong giày khi đi, rất tốt. (Cổ phương diệu dụng)
10. Trị chứng “chóng mặt thuộc phong”
Chứng bệnh này nếu phát ra do phong tà thì mồ hôi đổ ra như tắm, mắt hoa đầu váng, đờm bốc khò khè. Mau lấy mấy củ cải trắng giã nát, cho vào một miếng vải sạch, vắt lấy nước cốt, lại lấy một ít Hạt củ cải cho vào nước cốt ấy ngâm, thấy hạt ngấm đều nước cốt thì đem phơi khô, tán nhỏ, sau bữa ăn uống với nước nóng thì khỏi. (Kinh nghiệm dân gian)
11. Trị chứng “miệng lưỡi bị lở loét”
Do trong người quá nóng, lưỡi và vòm miệng bị viêm nặng, sinh mụn lở loét. Dùng ít củ cải trắng còn tươi, giã nát vắt lấy nước, gia thêm tí muối, thường xuyên ngậm và súc miệng thì khỏi. (Kinh nghiệm dân gian)
12. Trị chứng “lậu ké đau buốt”
Lấy củ cải trắng xắt mỏng, tẩm mật để ít lâu cho ngấm đều, ngấm kỹ rồi sao khô, sao rồi lại tẩm mật, tẩm mật rồi lại sao khô, cứ như vậy đủ 3 lần, không nên sao cháy quá. Sao xong lần thứ 3 thì nghiền thành bột, uống với nước muối, ngày uống 3 lần. Công hiệu không nói hết được. (Nam dược thần hiệu)
13. Trị chứng “đái đục”
Do lo nghĩ buồn phiền, hoặc tửu sắc, trác táng quá độ, tâm thận đều bị tổn thương không chủ trì được, nguyên tính không giữ vững, khiến đái ra toàn nước đục. Để chữa khỏi bệnh này, lấy củ cải trắng khoét rỗng ruột, nhét đầy Ngô thù du (mua ở tiệm thuốc Bắc), đậy kín lại, cho vào chõ đồ chín, lấy ra bỏ hết ngô thù du, còn củ cải thì đem sấy khô, tán bột, khuấy với hồ, viên thành những viên nhỏ, mỗi lần uống 50 viên với nước muối, ngày uống 3 lần. Rất hay. (Nam dược thần hiệu)
14. Trị chứng “chết ngạt vì khói”
Bị chết ngạt vì khói, nếu người còn nóng, lấy lá củ cải trắng giã nát, vắt nước cốt, cạy miệng đổ vào là tỉnh. (Nam dược thần hiệu)
15. Trị chứng “phát cuồng”
Bỗng nhiên tinh thần thác loạn, cười nói, gào khóc, la hét, nhảy nhót tưng tưng… Đó là mắc chứng phát cuồng. Để chữa chứng này, lấy Hạt cải củ tán thành bột, hoà với nước ấm cho uống rồi móc họng cho ói hết đàm dãi ra thì khỏi. (Cổ phương)
16. Trị chứng “trúng phong”
Trúng phong là đầu của các bệnh, biến hoá lạ thường và phát bệnh khác biệt, các triệu chứng như: thình lình phát bệnh, cấm khẩu không nói được, miệng sùi bọt, tay chân cứng đơ, đau bụng hoặc đầy hơi, có lúc ngất đi rồi tỉnh lại… Để chữa chứng này, dùng Hạt cải củ và Bồ kết mỗi thứ 2 đồng cân (7.5g) sắc với nước cho uống, mửa ra được thì khỏi. (Nam dược thần hiệu)
17. Trị chứng “hen suyễn”
Dùng Hạt cải củ sao vàng, hạt bồ kết nướng, tán nhỏ luyện với mật ong và một ít nước gừng, vê thành những viên nhỏ. Mỗi lần uống từ 50 -60 viên với nước sôi để còn ấm. Rất hay. (Nam dược thần hiệu)
18. Trị chứng “ho, kéo đàm không ngủ được”
Lấy 1 vốc Hạt củ cải, đãi trong nước cho thật sạch rồi sấy khô, sao vàng, tán nhỏ thành bột, thắng nước đường, vê thành những viên nhỏ, bọc vào bông ngậm rồi nuốt, rất hay. (Nam dược thần hiệu)
19. Trị chứng “mặt bị thũng nằm ngồi không yên”
Mắc phải chứng thuỷ thũng, mặt bị sưng to, trong người bức bối, khó chịu, mệt nhọc nằm ngồi không yên. Lấy 1 vốc Hạt cải củ đem sao qua, tán thành bột, mỗi lần uống từ 3 – 6g với nước đun sôi để còn âm ấm. Đồng thời kiếm 1 manh chiếu rách đặt trên nóc nhà phơi nắng, phơi sương rồi dùng nước vo gạo, nấu kỹ manh chiếu, lấy nước đó tắm cho ra mồ hôi thì khỏi. (Kinh nghiệm dân gian)
20. Trị chứng “phong hàn ở trẻ em”
Trẻ con bẩm sinh yếu ớt, tạng phủ phát triển chưa hoàn toàn, da thịt chưa kín đáo, gặp lúc trở trời, đổi tiết dễ bị cảm nhiễm. Lấy một đồng Hạt cải củ tươi, giã nát, thêm nước và hành, sắc sôi hoà vào chút ít rượu cho uống, ra mồ hôi thì khỏi. (Nam dược thần hiệu)
21. Trị chứng “đậu mùa, đậu mọc không tốt”
Mắc nhằm chứng đậu mùa, đậu mọc không đều, phải dùng thang giải độc, hạ khí, khí đều thì đậu cũng đều. Lấy hoa cải củ sắc nước cho uống thường xuyên, nếu không có hoa, lấy Hạt cải củ nghiền nhỏ hoà vô nước nóng cho uống cũng hay. (Nam dược thần hiệu)
22. Trị chứng “khản giọng”
Bị khản giọng nói không ra tiếng, dùng vài củ cải trắng và một miếng gừng bằng ngón tay cái, tất cả rửa sạch, cho vào cối sạch giã nát, vắt lấy nước cốt, ngậm khò rồi nuốt. Chỉ độ vài lần ngậm, khò và nuốt là khỏi. (Kinh nghiệm dân gian)
23. Trị chứng “lòi con trê”
Đây chính là chứng “sa trực tràng” còn gọi là chứng “thoát giang”. Mới mắc phải chứng này, dùng vài củ cải trắng luộc lấy nước, để nguội bớt thì ngâm đít vào, rửa phần trực tràng lòi ra cho sạch, ấn vào, rịt lại không cho lòi ra. Đồng thời giã nát 1 củ cải khác rịt vào rốn. Nếu thấy chỗ rịt ngứa và phồng nước thì cởi ra, lấy lá cải củ này đốt thành than, tán mịn, rắc lên chỗ bị phồng. Cần nhớ khi đang rịt thuốc này, chớ làm việc nặng, nằm yên một chỗ thì tốt. (Kinh nghiệm dân gian)
24. Trị chứng “vú chợt nổi mụt”
Trên vú phụ nữ bỗng nổi một mụt đỏ, chớ nên xem thường. Mau lấy 1 củ cải trắng còn nguyên lá, rửa thật sạch, giã nát nhuyễn đắp lên thì khỏi. (Tạp chứng bí phương)
25. Chữa vết bầm
Bị ngã, bị đánh, hoặc bị va đập vào đâu, thịt bị bầm tím, ứ máu. Dùng củ cải trắng giã nát đắp lên vết bầm, hay cắt ngang củ, chấm phớt chút muối, chà vừa tay lên vết bầm nhiều lần, tan bầm trông thấy. Rất hay. (Tạp chứng bí phương)